Chương XV: TÍN THÁC TRONG ĐAU KHỔ
§I. - Đau khổ là gì ?
- Nhìn đau khổ từ quan điểm siêu nhiên, với con mắt đức tin.
- Tín thác nơi lòng nhân hậu của Cha chúng ta ở trên trời.
Đau khổ là gì ? – Những gì đã trình bày trên đây đã đủ chứng tỏ rằng tín thác là một nhân đức vừa quí trọng vừa cần thiết. Và nhân đức này rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho ta, nhất là trong đau khổ dưới mọi hình thức. Bởi vì nếu người ta dễ dàng sống tín thác, dễ dàng tin vào tình thương của Chúa, khi mọi sự diễn ra trong an vui, khi Ngài ban nhiều phước lành cho ta, và nhất là khi Ngài ban cho ta những niềm an ủi thiêng liêng, thì sẽ không dễ dàng khi ta gặp gian nan. Vẫn nhìn thấy bàn tay đầy yêu thương của Cha trên trời, khi Chúa gửi bệnh tật đến cho ta, hoặc cho những người thân yêu của ta, khi các hoạt động và việc tông đồ của ta gặp thất bại, khi những nỗi chán nản làm cho đời sống tâm linh của ta trở nên khổ sở : đó là việc không dễ chút nào, và nhiều khi đòi hỏi phải có một niềm tín thác lớn lao.
Trong chương này, chúng tôi muốn bàn về niềm tín thác trong đau khổ nói chung, dành những chương sau để nói về những hình thức đặc biệt của đau khổ như : sự chán nản, những đêm tối thần bí, những cơn cám dỗ, sự bất lực v.v.
Trước hết phải hiểu đau khổ là gì, vì đau khổ có nhiều hình thức rất đa dạng. Đau khổ không chỉ là bệnh tật hoặc rủi ro, nhưng nó là tất cả những gì gây thương tổn cho bản tính con người yếu đuối của ta, tất cả những gì gây đau đớn, làm cho phiền lòng, trong lãnh vực thể lý cũng như về phương diện tâm linh.
Đau khổ là sống một cuộc đời như nhiều người đang sống, một cuộc sống đơn điệu và buồn tẻ, là phải nhận một công việc không hợp với mình tí nào. Đau khổ là hằng ngày phải sống với những người có tính nết xung khắc với tính nết của mình. Đau khổ còn là thấy mình vẫn xa với lý tưởng mình mơ ước. Đau khổ là chưa yêu mến Thiên Chúa cách nồng nàn như lòng sở nguyện. Tóm lại, có thể nói cuộc đời chúng ta được dệt bằng những đau khổ có pha ít niềm vui, những đau khổ đôi khi lớn lao, nhưng thường là bé nhỏ mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Vì yêu mến Chúa, chúng ta yêu mến mọi đau khổ mà thánh ý Chúa dành cho ta, và nếu ta có lòng mến lớn lao, chúng ta có thể còn sẵn sàng đón nhận những đau khổ khác nữa.
Nếu chúng ta biết đón nhận và sử dụng những đau khổ hằng ngày này, những đau khổ đa dạng này, chúng ta sẽ có thể nói về đau khổ một lời mà Vua Salômon nói về đức khôn ngoan : “Mọi phúc lộc đã đến với tôi cùng với nó” (Kn 7,11). Đa số người ta sợ đau khổ. Biết bao người tìm cách tránh đau khổ như tránh một kẻ thù. Thật ra đau khổ rất qúi giá, và ta phải đón nhận đau khổ như đón nhận một người bạn.
Hãy nhìn đau khổ từ quan điểm siêu nhiên, với con mắt của đức tin.– Nhiều người chạy trốn và cưỡng lại Thánh Giá, bởi vì họ không nhìn cây thập giá từ quan điểm siêu nhiên, để thấy giá trị đích thực của cây thập giá. Nếu chúng ta biết nhìn cây thập giá với con mắt đức tin, như các thánh quen nhìn, chúng ta sẽ thấy thập giá ánh ngời hào quang và là nguồn mọi ân phúc. Chúng ta sẽ nhận ra thập giá là một kho tàng qúi giá, chứa đầy những vàng bạc và kim cương là các hồng ân của ơn Cứu chuộc, và như vậy chúng ta sẽ hăm hở chạy lại đón nhận thập giá, thay vì chạy trốn và khinh chê.
Con mắt đức tin cho ta thấy rằng mỗi đau khổ, mỗi thử thách Chúa gửi đến cho ta đều có một ý định của Chúa quan phòng, một ý định đầy tình thương : đó là để chuẩn bị cho ta một hạnh phúc khôn tả ở trên trời. Thiên Chúa gieo những thập giá trong đời sống chúng ta, là để chúng mọc lên và sinh hoa kết qủa cho mai sau. “Đau khổ một ngày trên mặt đất, để hưởng hạnh phúc muôn đời ở trên trời”, đó là tiếng nói âm thầm mà các đau khổ luôn muốn nhắc nhở cho ta. Nếu ta lắng nghe, chúng ta có thể nghe thấy các thánh nói với chúng ta rằng : “Các bạn hạnh phúc lắm, vì còn có thể chịu đau khổ. Hãy đón nhận và hãy chúc tụng Chúa vì các đau khổ này : chẳng bao lâu nữa chúng sẽ biến thành những niềm vui muôn đời”.
Con người gặp đủ thứ đau khổ. Có thể tôi rơi vào cảnh nghèo khổ túng cực, các người thân của tôi chịu cảnh thiếu thốn. Hoặc tôi bị bệnh tật đau yếu lâu ngày lâu tháng. Thay vì buồn sầu và ngã lòng, tôi phải ngửa mặt lên trời và thầm nghĩ trong lòng : “Những đau khổ đời này không thể so sánh với vinh quang sẽ được tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8,18). Có thể công việc làm ăn của tôi bị thất bại, những nỗ lực của tôi đều uổng công. Trái tim tôi vô cùng đau khổ. Nhưng tôi hãy nhìn lên Chúa và hãy nghe thánh tông đồ nói : “Mắt ta chưa hề xem thấy, tai chưa từng nghe thấy và tâm trí con người chưa hề hiểu được những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài” (1 Cr 2,9).
Những ý hướng của tôi đã bị hiểu sai ; các bạn thân của tôi cũng đã bỏ rơi tôi ; các bề trên của tôi đã khiển trách tôi mà không có lý do đầy đủ. “Hãy nâng tâm hồn lên !”. Hãy nhìn lên trời là quê hương ta, nơi hạnh phúc muôn đời đang chờ đợi ta ! Và hãy nhớ : “Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt hái trong hoan lạc”. Trên trời, những giọt nước mắt của ta sẽ biến thành những viên ngọc qúi giá.
Không có tinh thần đức tin, không nhìn lên định mệnh muôn đời của mình, thế giới này sẽ là một điều bí ẩn và cuộc đời của chúng ta sẽ bị coi là khốn khổ và tối tăm. Nhưng con mắt đức tin sẽ làm sáng tỏ mọi sự và sẽ xua đi những đám mây đen đang bao phủ cuộc sống của chúng ta. Mặt trời sẽ xuyên thủng đám mây đen, sẽ chiếu ánh sáng tươi đẹp vào cuộc đời của ta, cho thấy nó đầy hồng ân của Chúa.
Tín thác nơi lòng nhân hậu của Cha chúng ta ở trên trời.– Người ta đã có lý để gọi thế giới của chúng ta hôm nay là sự phá sản của một nền văn minh quá trớn, vì hơn bao giờ hết, thế giới đầy những cảnh khốn nạn, những tội ác, những thảm cảnh, những chán chường. Những tiến bộ khoa học rất kỳ diệu, thay vì mang đến cho nhân loại một hạnh phúc mà mọi người khao khát, đã để lại một chuỗi những thảm bại và thất vọng. Những con người độc tài và độc ác đã lợi dụng các tiến bộ đó để gây lên những cuộc chiến tranh và nuôi dưỡng những căm thù dân tộc. Đôi khi người ta phải tự hỏi phải chăng Chúa Quan Phòng đã bỏ mặc loài người với số phận của nó. Nếu Thiên Chúa yêu thương con người, sao Ngài lại để xảy ra nhiều đau khổ như thế ? Vì sao Ngài để con chịu nhiều đau khổ và nhiều cay đắng như thế ?
Để có một câu trả lời đầy khích lệ và lạc quan cho câu hỏi này, chúng ta cần phải có cái nhìn của đức tin, nhìn lên trời. Nơi đó, Cha trên trời của chúng ta, Người Cha vô cùng nhân hậu và yêu thương chúng ta luôn ân cần chăm lo cho chúng ta, đến nỗi một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng không rụng ngoài sự quan phòng của Ngài. Chúng ta hãy nhớ những lời giảng dạy rất rõ ràng của Chúa Cứu Thế về vấn đề này : “Bởi vậy Thầy bảo anh em : đừng lo lắng về cuộc sống, lo mình sẽ ăn gì, sẽ uống gì, cũng đừng lo lắng sẽ lấy gì mà mặc. Sự sống chẳng trọng hơn của ăn sao, và thân xác chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Anh em hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, chúng không thu tích vào các kho lẫm, vậy mà Cha anh em ở trên trời nuôi dưỡng chúng. Anh em không có giá hơn chúng sao ? Anh em hãy xem những bông huệ ngoài đồng, chúng mọc lên thế nào? Chúng không lao động và không dệt vải. Thế mà Thầy nói cho anh em biết : vua Salômôn vinh quang như thế mà không mặc đẹp bằng một bông huệ đó. Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã bị ném vào lò lửa, còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, thì Ngài sẽ chẳng làm hơn nữa cho anh em sao, hỡi những con người kém tin ?” (Mt 6,25-30).
Người ta đã có lý để so sánh thế giới với một bàn cờ rộng bao la, trên đó mỗi người người chúng ta, kẻ sang người hèn, vua chúa và dân dã, đều có chỗ đứng và vai trò của mình. Chúng ta không hiểu gì lắm trong cái thế tương quan rối rít khó hiểu của những quân cờ luôn luôn chuyển động và tác động lên nhau. Người ta cứ tưởng những quân lớn, những vị quyền thế trong xã hội có quyền hành và chủ động cuộc chơi, chủ động ván cờ. Nhưng đó là ảo tưởng. Người làm chủ cuộc chơi, người điều hành mọi sự là Thiên Chúa. Người chơi cờ ở đây là Thiên Chúa. Ngài chơi với satan ván cờ của lịch sử thế giới theo kế hoạch ngàn đời của Ngài, kế hoạch kỳ diệu đầy yêu thương, khiến người lành thánh càng suy gẫm càng cảm mến tình thương và lòng thương xót của Ngài.[1]
Kinh sĩ Baud’huin đã viết một cách rất sâu sắc : “Để tỏ rõ lòng thương xót vô cùng của Ngài, Thiên Chúa cần ta thấy rõ một thế giới vô cùng khốn nạn. Bởi vậy Thiên Chúa đã chọn tỏ bày lòng thương xót đối với một thế giới hết sức tội lỗi. Chúng ta thấy hiện nay kể như tội lỗi đang thống trị thế giới. Thật ra không phải thế : Không phải tội lỗi đang thống trị, nhưng là lòng thương xót của Chúa đang thống trị thế giới. Trên trời không có cảnh nào lạ lùng và đáng tôn thờ hơn cảnh Chúa nhân từ và thương xót cúi nhìn loài người tội lỗi và khốn nạn với một niềm thương xót vô cùng. Đó chính là điều làm cho thần thánh trên trời ngây ngất khi chiêm ngưỡng bản tính tốt lành của Thiên Chúa”[2]
Chúng ta hãy năng nghĩ đến tư tưởng này. Hãy thường xuyên nghĩ đến lòng thương xót vô cùng của Cha trên trời. Chúng ta hãy tập nhìn mọi sự xung quanh ta, cũng như những việc xảy ra trên thế giới, sub specie aeternitatis (dưới phương diện vĩnh hằng), nghĩa là như Thiên Chúa và các thánh nhìn các sự việc đó. Dầu xảy ra những sự việc gì trên mặt đất này, các thánh không bao giờ nao núng lo sợ. Các ngài bình tĩnh nhìn những biến cố có vẻ ghê sợ nhất trên thế giới, vì các ngài luôn nhìn mọi sự như là sự thực hiện một kế hoạch toàn diện rất khôn ngoan và đầy yêu thương của Chúa.
Người ta có thể vấn nạn rằng tôi có sẵn lòng chịu đựng tất cả những đau khổ khác mà Chúa gửi đến cho tôi chăng ? Tôi sẽ trả lời : tôi vẫn sẽ nhìn thấy bàn tay đầy yêu thương của Chúa. Đau khổ đang bóp nghẹt trái tim tôi, khiến tôi đau khổ và nghi nan. Nhưng tôi cầu xin để mọi sự có thể làm vinh danh Thiên Chúa.
Nhưng làm sao nhìn thấy vinh quang của Chúa trong những cơn cám dỗ lôi cuốn tôi về đàng tội, nhưng sự bất hoà đang xâu xé gia đình tôi, và những nết xấu mà tôi cố gắng sửa mãi mà không hết...? Hỡi linh hồn yêu dấu, hãy cứ can đảm ! Cứ tín thác ! Có thể lúc này mi chưa hiểu được sao Chúa lại có thể cho xảy ra những điều làm phiền lòng Ngài. Mi đừng quên rằng trí tuệ loài người chúng ta chỉ là một tàn lửa li ti so với mặt trời sáng chói là sự khôn ngoan và tình thương của Chúa. Cái nhìn của Đấng Tối Cao vượt xa muôn ngàn trùng cái nhìn thiển cận của con người chúng ta. Là một vật thọ tạo nhỏ bé trong vũ trụ, chúng ta làm sao hiểu được những sự lành mà Thiên Chúa dự tính nơi những đau khổ này. Nhưng chúng ta có thể biết và cảm thấy cách rất chắc chắn rằng : Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan vô cùng và Ngài là tình thương vô cùng. Tình thương của Ngài vượt xa tất cả những gì con người chúng ta hiểu biết về tình thương. Như thế là đủ. Vậy hỡi linh hồn tôi, mi hãy cắt đứt mọi suy nghĩ loài người và hãy tín thác để tìm thấy bình an trong Chúa, và hãy tin rằng, với ơn Chúa, mọi sự sẽ sáng sủa và rõ ràng cho mi, khi đó, với niềm cảm tạ vô biên, mi sẽ ca tụng lòng thương xót của Chúa đến muôn đời : “Tôi sẽ ca tụng lòng thương xót Chúa đến muôn đời”.
§II. - Con mắt của lòng mến.
- Những lợi ích của đau khổ : nó làm cho ta nên giống Chúa Giêsu.
- Nó là dịp tuyệt hảo để ta tỏ bày lòng mến Chúa.
- Nó làm cho Chúa Giêsu vui mừng.
- Nó là cái hôn của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá.
- Nó là phương thế rất tốt để kết hiệp với Chúa và nên thánh.
- Chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Con mắt của lòng mến.– Con mắt của đức tin, tức sự nghĩ đến tình thương của Cha trên trời, đã giúp ta nhận ra giá trị của đau khổ và củng cố niềm tín thác của ta. Nhưng con mắt của lòng mến, của đức mến, còn dẫn chúng ta đi xa hơn nữa. Nó giúp ta đạt tới niềm tín thác trọn vẹn bằng cách dạy ta biết yêu mến và ước ao chịu đau khổ.
“Chịu đau khổ và chịu khinh bỉ”, đó là câu trả lời của thánh Gioan Thánh Giá, khi Chúa Giêsu hỏi thánh nhân muốn được phần thưởng gì. Còn thánh nữ Têrêxa thành Avila, vị đại thánh chiêm niệm thì xin Chúa : “Xin cho con được chịu đau khổ hay là chết đi”. Nhưng thánh Mađalêna Pazzi lại kêu lên : “Con không xin chết, nhưng xin được chịu đau khổ luôn mãi”. Vậy đâu là bí quyết của sự khát khao chịu đau khổ này nơi các thánh ? Bí quyết đó là lòng mến yêu vô cùng nồng nàn mà các ngài dành cho Thiên Chúa và Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tất cả mọi đau khổ, mọi hình thức của đau khổ, đều được các ngài vui vẻ đón nhận, đều được các ngài coi là đáng ước ao. Các thánh coi những đau khổ là những kho tàng vô tận để tỏ bày lòng mến yêu Chúa. Chúng ta hãy năng suy gẫm về những lợi ích lớn lao của đau khổ, rồi dần dần chúng ta cũng sẽ nhờ ơn Chúa mà đi tới chỗ yêu mến những đau khổ.
Những lợi ích của đau khổ : nó làm cho ta trở nên giống Chúa Giêsu.– Những đau khổ làm cho ta trở nên giống Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Nếu ta yêu mến Chúa hết lòng, làm sao chúng ta không ước ao trở nên giống Ngài ? Chúng ta biết : đặc tính của tình yêu là hai bên phải càng giống nhau càng tốt. Làm sao chúng ta có thể nhìn ngắm Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu xỉ vả, chịu đóng đinh trên thập giá, mà lại trốn chạy những đau khổ là cái làm cho chúng ta trở nên giống Ngài? Sao chúng ta sợ đau khổ, sợ những chuyện bắt ta phải sống khiêm nhường ? Bậc thứ ba của đức khiêm nhường mà thánh Inhaxiô đòi hỏi nơi những người đến tĩnh tâm là gì, nếu không phải là vì mến yêu Chúa Giêsu và vì muốn trở nên giống Ngài, mà yêu mến sống nghèo khó hơn là giầu sang, yêu mến chịu xỉ nhục hơn là được danh dự ?
Một số các thánh đã muốn bắt chước Chúa Giêsu trong những chi tiết cuộc khổ nạn của Ngài. Chân phước Suso đã diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa trong vườn và các hành lang của đan viện. Thánh nữ Rosa thành Lima đã tự đánh đòn mình đến chảy máu. Chị thánh còn đội trên đầu một vòng gai nhọn, vác một cây thập giá nặng nhiều giờ và trói hai tay mình vào cây thập giá khi cầu nguyện ban đêm, để kết hiệp lời cầu nguyện của mình với lời cầu nguyện của Chúa hấp hối trên thánh giá.
Như vậy đủ thấy các thánh đã yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh dường nào, và các ngài đã thấy cần phải trở nên giống Chúa dường nào[3] !
Đau khổ là cơ hội tuyệt hảo để tỏ lòng mến Chúa.– Đau khổ làm cho ta trở nên giống Chúa Giêsu. Nó cũng mang lại cho ta nhiều cơ hội, những cơ hội tuyệt hảo để tỏ bày lòng mến yêu của ta đối với Chúa. Tất nhiên, có nhiều cách tỏ lòng mến của ta : vâng lời, khiết tịnh, khiêm nhường, đức ái huynh đệ và các nhân đức khác nữa. Tóm lại, tất cả các nhân đức đều là cách tỏ bày lòng ta mến yêu Chúa. Rồi nguyện gẫm, hoạt động tông đồ, thi hành đức thương người, đau khổ, tất cả đều là những cơ hội để ta tỏ bày lòng kính mến Chúa Giêsu. Nhưng một linh hồn thật sự nồng nàn mến yêu Chúa, và muốn tỏ bày lòng mến yêu này, sẽ coi các hình thức đau khổ là cách tốt nhất để tỏ lòng mến yêu Ngài. Linh hồn sẽ thấy như thế là đủ. Nó không cần đi tìm những cách khác. Và cũng không ước ao phần thưởng nào khác. Thánh Augustinô đã nói cách chí lý : “Tình thương là phần thưởng cho mình rồi.”
Bản chất của yêu thương là hiến thân. Càng yêu thương thì càng hiến thân. Mà ở đâu người ta hiến thân hơn là trong đau khổ mà người ta chịu đựng, tìm kiếm và ưa thích vì Đấng mà người ta yêu mến ? Tình thương còn là quên mình. Chúng ta càng quên mình vì Đấng mà ta mến yêu, thì sẽ càng tỏ rõ lòng mến yêu đó. Vậy mà có đâu người ta quên mình, cho bằng khi chúng ta chịu đau khổ vì mến yêu Chúa Giêsu ? Người ta còn gọi lòng mến yêu là tận hiến, là hy sinh, vậy mà khi chịu đau khổ vì yêu mến Chúa là hy sinh nhất. Cho nên phải kết luận rằng khi chịu đau khổ vì mến Chúa Giêsu là tỏ bày lòng yêu mến cách thật sự hơn hết. Yêu mến đau khổ, yêu mến thánh giá vì Chúa Giêsu là bỏ mình và quên mình vì mến yêu Ngài. Linh hồn chịu đau khổ cách vui lòng, vì mến yêu Chúa Giêsu, đã tỏ cho thấy, đối với nó, Chúa Giêsu là tất cả, và nói là không. Linh hồn đó cảm thấy vui vì được chịu đau khổ vì Ngài, được hy sinh mọi ước muốn của mình để chứng tỏ lòng mến của mình. Trước mặt Ngài là Thiên Chúa đầy quyền uy và đầy tình thương, nó tự cảm thấy mình là một vật thọ tạo hèn mọn và tội lỗi, cho nên nó thật sự cảm thấy hạnh phúc khi được chịu đau khổ để trở nên giống Ngài, và để làm vui lòng Ngài. Vào những giờ phút như thế, nó có thể kêu lên như các vị thánh nhân rằng : “Ôi, lạy Chúa Cứu chuộc con, để thấy một nụ cười trên môi Chúa, con sẵn sàng chịu muôn vàn đau khổ trong cuộc đời.”
Vui lòng chịu đau khổ sẽ làm Chúa Giêsu vui sướng.– Chịu đau khổ là dịp để ta tỏ lòng mến yêu Chúa Giêsu và làm vui lòng Ngài. Làm vui lòng Ngài, làm cho Ngài vui sướng, ôi ! điều đó thật tốt lành và đáng qúi dường nào ! Phải chăng đó không phải là mơ ước của đời tôi, lý tưởng của đời tôi ? Những của cải trần gian, danh vọng và những lời ngợi khen của thế gian là gì đối với tôi ? những thú vui của giác quan và mọi sự khoái trá trong tâm hồn là gì, nếu đem so với niềm vui sâu xa của tôi, khi tôi biết mình làm vui lòng Chúa Giêsu. Tôi sung sướng vô cùng khi biết mình mang lại niềm vui cho Chúa Giêsu, làm được cho Ngài vui sướng, bởi vì tôi mến yêu Ngài trên hết mọi sự, hơn cả chính mình tôi. Cho nên tôi thích thưa Chúa Giêsu rằng : “Lạy Chúa Giêsu con yêu mến, con chỉ xin Chúa một niềm vui ở đời này, là làm cho Chúa vui, là con trở thành niềm vui của Chúa.”
Mà tôi có thể tìm thấy niềm vui này ở đâu, ngoài những đau khổ, những thánh giá mà Chúa để xảy ra trong cuộc đời hằng ngày của tôi ? Mỗi đau khổ, mỗi thánh giá, dầu bé nhỏ, đều có thể trở thành những nụ hôn tôi tặng Chúa Giêsu, nếu tôi đón nhận những đau khổ đó với lòng mến. Mỗi lần như thế, tôi có thể thưa Chúa Giêsu : “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa nhiều và vì yêu mến Chúa, con vui nhận đau khổ này.” Ôi, nếu tôi biết giá trị của đau khổ và đón nhận mọi đau khổ hằng ngày với tinh thần mến yêu như thế, thì các sự đau khổ sẽ trở nên qúi báu đối với tôi, và tôi sẽ thận trọng không để mất một đau khổ nào.
Chính vì thế mà thánh nữ mến yêu thành Lisieux của chúng ta rất yêu mến các đau khổ, các thập giá. Thánh nữ luôn tay hái những bông hoa, bứt những cánh hoa phủ lên chân Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nghĩa là chị thánh vui mừng đón nhận mọi hy sinh, mọi đau khổ, và không để mất đi bất cứ dịp nào để hy sinh và chịu đau khổ vì Chúa Giêsu.
Đau khổ là cái hôn của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.– Chúng ta đã thấy vui lòng chịu đau khổ là dâng lên Chúa những cái hôn trìu mến của ta. Nhưng đau khổ còn là cái hôn của Chúa Giêsu chịu đóng đinh dành cho linh hồn ta. Những tâm hồn tầm thường vẫn chỉ coi đau khổ là một thứ hình phạt Thiên Chúa dùng để thi hành sự công chính, và tỏ bày sự phẫn nộ của Ngài. Trái lại những tâm hồn quảng đại lại coi đau khổ là dấu Chúa yêu thương ta : họ không chỉ nhìn cây thập giá, nhưng còn nhận ra Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đó nữa. Và Chúa Giêsu ôm lấy linh hồn ta cách âu yếm, và mong đợi ta chấp nhận thập giá của Ngài cách quảng đại và vui lòng.
Ôi, chắc thập giá sẽ không còn vẻ đáng sợ, nhưng đầy vẻ đáng qúi mến, nếu ta nhìn thập giá như Chúa Giêsu ôm hôn ta, yêu thương ta. Ta sẽ không sợ và không tìm cách tránh đau khổ, tránh thập giá, nhưng sẽ đón nhận mọi thập giá với niềm vui như thánh Phaolô. Thánh tông đồ đã khẳng định : “Phần tôi, tôi không ước ao được vinh dự về điều gì khác ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Muốn được như thế, tôi không nên nhìn thập giá cách lý thuyết và một cách thơ mộng, nhưng phải thực tế. Mà thực tế của đời sống dạy ta rằng : thập giá Chúa Giêsu, đối với ta, là tất cả những đau khổ của cuộc sống thường nhật. Những thập giá của Chúa, những cái ôm hôn Chúa dành cho linh hồn ta là trăm ngàn điều trái ý, trăm ngàn đau khổ vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của ta. Đó là những lời nói có vẻ cứng cỏi, những cách cư xử thiếu nhã nhặn của người này người kia, những sự người ta quấy rầy tôi trong khi làm việc, những người cộng sự khó tính, những bệnh tật nho nhỏ của thân xác tôi, cuộc sống quá đơn điệu của tôi v.v…. Đó còn là sự Chúa vắng mặt lâu dài, những ngày bị khô khan, rồi những cơn cám dỗ, những sự sai lỗi mà tôi không sao tránh hẳn được, dầu đã cố gắng nhiều… Ôi ! thật sự tôi đã không có khả năng nhận ra Chúa Giêsu trong tất cả những sự đó ! Thật, phải có con mắt đức tin, và con mắt đức mến để nhận ra thập giá Chúa Giêsu và chính Chúa Giêsu dưới những cái bề ngoài ít hấp dẫn này ! Bởi vì, dầu có vẻ nghịch lý thật đấy, chính vì thương yêu ta và muốn ta đáp lại tình thương bao la của Ngài, Chúa Giêsu đã an bài mọi sự để ta gặp những đau khổ đó, những thập giá đó trong cuộc đời thường ngày của ta. Nơi mỗi đau khổ đó, Chúa Giêsu nói với linh hồn ta rằng : “Hỡi linh hồn yêu qúi, Cha thương yêu con. Và Cha muốn được con yêu mến đáp lại”.
Đau khổ sẽ làm dịu niềm khát khao yêu mến.– Đối với những linh hồn khát khao yêu mến Chúa thật nhiều, những đau khổ còn được qúi mến vì một lý do khác nữa. Đó là chúng làm giảm nỗi đau vì khát khao yêu mến.
Nếu tôi phần nào hiểu được sự Chúa đáng mến yêu vô cùng, đồng thời hiểu được vẻ xấu xa đáng ghét của cái tôi, sẽ có lúc tôi cảm thấy ước ao yêu mến Chúa rất nhiều, rất nhiều. Và tôi càng mến yêu Chúa, tôi sẽ càng ý thức rằng dầu tôi cố gắng hết sức, dầu lòng mến yêu của tôi sẽ nồng nàn đến đâu, tôi sẽ không bao giờ có thể yêu mến Chúa như Ngài đáng mến yêu. Tư tưởng này sẽ dần dần trở thành một nỗi khổ tâm của tôi, và khi tôi sẽ đạt được mức yêu mến lớn lao, thì tư tưởng này sẽ trở thành nỗi đau khổ lớn lao nhất và sâu xa nhất của đời tôi.
Nếu tôi được kể vào số những linh hồn diễm phúc đó, những linh hồn mà đức mến đã gây nên một vết thương rất đau đớn và khó chữa lành, thì những đau khổ sẽ là thứ dầu nóng tốt nhất để xoa dịu vết thương đó. Bởi vì như chúng ta đã thấy trên kia, những đau khổ là những cơ hội tuyệt hảo để ta tỏ bày lòng mến yêu Chúa, hầu làm dịu niềm khát khao mến yêu Ngài.
Điều kỳ diệu thay ! và thoạt xem như nghịch lý! Nỗi đau khổ vì chưa mến yêu Chúa như lòng mong ước lại là niềm an ủi sâu xa và sẽ là phương thuốc để chữa mọi ưu phiền. Những linh hồn diễm phúc nào đã từng cảm thấy những nỗi đau khổ thánh thiện này, đều có kinh nghiệm như thế, và họ sẽ không đổi vết thương lòng này để lấy bất cứ ơn qúi trọng nào khác, bởi vì vết thương này vừa đau đớn lại vừa êm dịu ngọt ngào.
Đau khổ là phương thế rất tốt để kết hiệp với Chúa và để nên thánh.– Còn nhiều lý do khác khiến các linh hồn quảng đại yêu mến những đau khổ, khiến họ thêm tín thác cách vui vẻ và trong sáng, thay vì co giúm lại. Sẽ qúa dài dòng, nếu chúng ta duyệt lại hết những lý do đó. Chỉ xin nêu ra đây lý do tốt nhất thường được các thánh và các tác giả đề cập đến[4].
Đau khổ là phương thế tối hảo và cần thiết để đạt tới sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Những linh hồn quảng đại, đã từ lâu sống tận hiến cho Chúa, đã nhờ những hồng ân an ủi và những giờ phút sống trong sự kết hiệp thân mật với Chúa để hiểu phần nào về sự Chúa vô cùng đáng kính mến. Dần dần Thiên Chúa đã trở thành niềm vui và lẽ sống của họ. Nên họ đã có thể nói như thánh Sêraphim thành Assisi rằng : “ Thiên Chúa của tôi là tất cả mọi sự cho tôi”. Bao lâu họ còn sống, họ chỉ còn một ước nguyện, đó là chết cho bản thân, để sống trọn vẹn trong Chúa và trong tình thương của Ngài. Ước nguyện đó cũng là ngày càng sống kết hiệp chặt chẽ hơn với Chúa, cho tới khi đạt được sự kết hiệp trọn vẹn, và nói như thánh Phaolô : “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là mối lợi” (Pl 1,21).
Vậy bạn hãy sống tín thác giữa trăm ngàn đau khổ bao vây bạn. Nếu đau khổ làm bạn mất vui, đó là vì nó đụng đến tự ái của bạn, vì bạn qúa yêu mình, vì nó làm cho bạn cảm thấy đau đớn khi phải dứt mình ra khỏi cái tôi của mình. Nhưng bạn phải vui lên, phải nhảy mừng trong khi gặp gian truân như thánh tông đồ, bởi vì thánh giá giúp bạn chết đi cho mình, để được sống trọn vẹn hơn trong Chúa Kitô. Đau khổ có sứ mạng thần thánh là làm cho bạn nên giống Chúa Giêsu chịu đóng đinh hơn, và như thế bạn được sống kết hợp thân mật hơn với Ngài.
Bởi vậy bạn đừng ngạc nhiên nếu Chúa dùng những đau khổ bạn thấy là mầu nhiệm và rất đau đớn để thanh tẩy bạn, giúp bạn xứng đáng kết hiệp với Ngài là sự Trong Sạch vô cùng. Đó có thể là những đau khổ rất hữu hiệu, và là những đau khổ duy nhất có khả năng tác động đến đáy tâm hồn bạn và làm cho bạn hoàn toàn chết cho mình. Đó là những đêm tối của giác quan và những đêm tối của tâm trí, hai thứ đau khổ có sức thanh tẩy triệt để. Có thể Chúa đã cho bạn trải qua những thử thách đó. Dầu sao, đó là những cách thế cần thiết, được Thiên Chúa dùng để dẫn đưa các linh hồn tới những đỉnh cao của sự kết hiệp trọn vẹn mà bạn mơ ước.
Vậy chúng ta có đủ các lý do để vui mừng và yêu mến đón nhận tất cả những đau khổ mà Chúa gửi đến cho ta. Chúng ta hãy tin chắc rằng nếu Thiên Chúa là thầy thuốc tối cao và là Cha rất nhân từ thấy cần phải để con cái Ngài chịu đau khổ như thế, thì chính là vì Ngài thấy rằng chịu đau khổ là điều rất tốt lành và hiệu nghiệm cho các linh hồn. Nếu không, chắc không bao giờ Ngài sử dụng những phương dược đắng cay này, để làm khổ những người con rất yêu dấu của Ngài.
Hãy chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.– Cũng có thể xảy ra điều này là : vào những giờ phút qúa đau khổ, chúng ta đã hoài công suy gẫm, giục lòng tin, nhìn lên trời, nghĩ đến những lợi ích lớn lao của đau khổ, nếu chúng ta vui lòng đón nhận những thánh giá Chúa gửi đến cho ta, nhưng vẫn không thể nào tìm lại được sự bình an và sức can đảm mà ta cần phải có. Khi đó phải làm gì ? Phải thưa Chúa Giêsu như thánh Phaolô : “Lạy Chúa, con biết đi với ai, vì chỉ mình Chúa có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Chúng ta sẽ phải làm điều mà, lẽ ra, chúng ta đã phải làm ngay từ đầu : chúng ta phải đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài vẫn đang chờ đợi ta để an ủi và ban sức mạnh cho ta. Cách đây hai ngàn năm, Ngài đã lớn tiếng kêu gọi những người đau khổ : “Hỡi tất cả những ai đang vất vả và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Nay từ trong nhà tạm, Chúa Giêsu âu yếm kêu gọi ta hãy đến với Ngài, hãy đổ vào Trái Tim vô cùng yêu thương của Ngài tất cả những ưu phiền của ta. Ngài là người Samaritanô nhân hậu, Ngài vẫn sẵn sàng xoa dịu những vết thương lòng của ta với dầu nóng của lòng thương xót của Ngài. Xưa Ngài giơ tay một cái, liền khiến cho gió bão táp phải yên ngay, nay Ngài chỉ phán một lời thì mọi cơn giông tố đang quấy phá tâm hồn ta sẽ im ngay, và ta sẽ được bình an thư thái.
Vâng, chúng ta hãy làm như sách Gương Phúc Chúa Giêsu đã dạy, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, “như người bệnh tật đến với Đấng cứu vớt mình, như kẻ đói khát đến với nguồn mạch sự sống, như người nghèo khó đến với Vua trên trời, và như kẻ tuyệt vọng đến với Đấng an ủi dịu hiền của mình”. (Q.IV, ch.24). Bất cứ chúng ta phiền muộn nỗi gì, và bất cứ chúng ta có những nhu cầu nào, chúng ta chắc chắn sẽ gặp nơi Chúa Giêsu Thánh Thể một người bạn chí thân, một trái tim vô cùng thông cảm và thương cảm, để như người môn đệ dấu yêu xưa, chúng ta có thể dựa đầu trên ngực Chúa và thổ lộ tất cả mọi nỗi ưu phiền của mình.
Thầy chí thánh biết qúa rõ chúng ta đang cần gì để lập lại sự bình an và lấy lại sức can đảm. Nếu cần, Ngài sẽ soi sáng tâm trí ta bằng ánh sáng Thần Linh của Ngài. Ngài sẽ cho ta được thông vào vào những ơn khôn ngoan và hiểu biết của Ngài. Ngài sẽ ban cho ta cái nhìn của đức tin sống động, để ta nhìn mọi sự dưới quan điểm vĩnh hằng như Ngài. Hoặc là Ngài sẽ ban cho ta sự nồng nàn và cái nhìn của đức ái thần linh, để ta tìm thấy và được hưởng sự bình an và niềm vui trong chính những đau khổ đang dằn vặt chúng ta. Rồi nếu sự khôn ngoan và tình thương vô cùng của Ngài thấy tốt hơn cứ để ta ở trong sự khô khan và chán nản, thì Ngài sẽ ban cho ta sức mạnh và niềm tín thác anh hùng của các vị tử đạo, để giúp ta chịu đựng những đau khổ ghê sợ nhất với lòng mến yêu và niềm tín thác.
TIN TƯỞNG ĐỂ ĐAU KHỔ
§I. - Đừng sợ đau khổ : vì Chúa đo lường những đau khổ của ta cách yêu thương.
- Chúa để cho các đau khổ và các niềm vui xen kẽ nhau.
- Gai nhọn báo tin bông hồng.
- Đừng nghĩ đến những đau khổ tưởng tượng.
Đừng sợ đau khổ, vì Chúa đo lường những đau khổ của ta cách yêu thương.– Nhiều linh hồn nội tâm cảm thấy sợ hãi qúa đáng khi nghĩ rằng, nếu mình trọn vẹn tận hiến cho Chúa, những trận đau khổ, và là những đau khổ ghê gớm, sẽ đổ xuống trên đầu mình. Và satan là kẻ thù tinh quái, sẽ lợi dụng sự nhát đảm của họ để thổi vào linh hồn họ một luồng gió ái ngại. Với những nỗi đau khổ tưởng tượng, nó sẽ làm tăng thêm sự sợ hãi tự nhiên của con người.
Hỡi các linh hồn ước ao yêu mến Chúa thật nhiều, các bạn đừng sợ Chúa sẽ để các bạn bị đè bẹp dưới những cơn đau khổ lớn lao. Các bạn đừng lo buồn, đừng nghe những chuyện lừa dối của ma qủi, hoặc của lòng tự ái là kẻ thù của linh hồn ta. Không, Chúa Giêsu hiền từ, và nhân hậu không bao giờ để con cái dấu yêu của Ngài bị đè bẹp dưới những đau khổ. Chúa không muốn đau khổ để làm ta đau khổ, nhưng Chúa muốn dùng đau khổ để mang lại nhiều lợi ích cho linh hồn ta. Chúa muốn ta vui lòng chịu đau khổ để tôn vinh thập giá của Ngài. “Thiên Chúa yêu qúi người cho mà vui vẻ” (2 Cr 9,7).
Tất nhiên có những trường hợp họa hiếm, những linh hồn “tự nguyện là của lễ hy sinh”, đền tội thay cho những tội lỗi ghê gớm của thế giới hư đốn này. Ngoài những trường hợp ngoại lệ đó, trong cuộc sống thiêng liêng cũng như trong đời sống thiên nhiên, Thiên Chúa luôn để những ngày có mưa và những ngày nắng gắt xen kẽ nhau, những ngày vui của mùa xuân đến sau những ngày khắc nghiệt của mùa đông. Ngài biết bản tính loài người yếu đuối. Ngài biết chúng ta là những vật thọ tạo nhỏ bé, không chịu đựng được nhiều. Tất nhiên hạt lúa mì phải chết đi thì mới có thể sinh hoa kết qủa. Nhưng nó cũng cần phải nảy mầm, mọc lên và tăng trưởng. Nó cần phải có hơi thở ấm áp của mùa xuân và những hạt mưa mát mẻ, để biến những cánh đồng khô cạn và hoang vu thành những thảm xanh tươi, rồi thành những đồng lúa vàng. Lời Sách Thánh đã nói : “Thiên Chúa là Đấng trung tín, Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ qúa sức mình. Nhưng cùng với cơn cám dỗ, Ngài sẽ ban cho anh em có thể ra khỏi đó và đủ sức chịu đựng” (1 Cr 10,13).
Thiên Chúa để những đau khổ và những niềm vui xen kẽ nhau. Gai nhọn báo tin có hoa hồng.– Cuộc đời của các thánh, những con người khổng lồ trên con đường thánh thiện, cũng không phải là một chuỗi không dứt những thử thách và những đau khổ. Cả những vị, như thánh Louis Marie de Montfort, luôn gặp chống đối trong công cuộc tông đồ của mình, cũng đã gặt hái những thành công kỳ diệu bên cạnh những thất bại đau đớn. Thánh Inhaxiô có thói quen cầu xin Chúa gửi những cuộc bách hại đến cho Hội dòng yêu qúi của mình. Là vì thánh nhân biết giá trị lớn lao của những thử thách đó. Ngài ước mong Tu hội của Ngài không bao giờ hết đau khổ. Nhưng tất nhiên ngài không luôn luôn ước mong đau khổ, Ngài chỉ ước ao những đau khổ theo thời gian và nơi nào Chúa chọn để làm sáng danh Chúa và trở nên nguồn mạch những hồng ân cho con cái ngài. “Để làm sáng danh Chúa hơn !”.
Thiên Chúa thường gửi cho chúng ta những gai nhọn, nhưng không bao giờ Ngài chỉ gửi nguyên những gai nhọn. Thiên Chúa là Cha nhân từ và hiền hậu, Ngài không chỉ dành cho con cái Ngài những cành gai, những nắm cỏ gai. Không, Ngài cũng gửi cho ta những bông hồng. Mà bởi vì không thể có bông hồng mà không có gai nhọn, cho nên Ngài gửi cho ta những bông hồng có gai nhọn. Cho nên lẽ ra chúng ta phải vui lên khi thấy những gai nhọn, bởi vì gai nhọn báo tin sẽ có bông hồng. Ôi ! Nếu chúng ta có thể hiểu và nhìn xem những đau khổ như điềm báo trước những ân phúc và những niềm vui, thì chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao ! Nghĩ đến những ân sủng mà đau khổ mang đến cho ta, không những đau khổ không làm ta nản chí, mà trái lại sẽ củng cố niềm tín thác của ta.
Chúng ta thấy lịch sử Giáo hội đầy những truyện thử thách Chúa gửi đến, và tiếp theo là những thời kỳ sinh hoa kết qủa lạ lùng trên cánh đồng truyền giáo. Hãy nhớ lại ba thế kỷ đầu, Giáo hội đã liên tiếp sống dưới những cơn bách hại tàn khốc, tưởng chừng như sắp bị tiêu diệt, nhưng tiếp theo đó là các thế kỷ rất hưng thịnh của Giáo hội, cùng với sự biến mất của thế giới ngoại giáo. Hãy nhớ rằng thánh Inhaxiô đã bị giam trong tù và Tu hội của ngài bị bách hại dữ dội, nhưng liền sau đó thánh nhân đã thấy công cuộc của ngài phát triển trên khắp thế giới. Hãy nhìn tu hội của ngài bị công kính và bách hại nơi một số nước, nhưng lại gặt hái được những thành công lớn lao nơi các nước khác. Và hãy nhìn thánh Alphôngsô Ligori bị chính môn đệ ngài công kích và bách hại, nhưng sau đó đã trở thành người cha của một tu hội đông đúc và thời danh.
Đừng nghĩ đến những thập giá tưởng tượng.– Đàng khác hãy tránh bỏ lòng cương cho trí tưởng tượng ! Đừng tưởng tượng ra những đau khổ, những thập giá mà có thể Chúa sẽ gửi đến cho ta. Những thập giá đó khiến ta lo sợ một cách vô cớ và vô ích. Chúng ta thấy mình không đủ sức vác những thập giá đó ? Nhưng ta nên nhớ rằng khi Chúa gửi thập giá nào cho ta, Ngài cũng ban đủ sức để ta vác, như thánh Phaolô đã dạy trên kia. Ta không nên nghĩ trước đến những thánh giá không bao giờ đến trong đời ta như thế. Nên nhớ : chính Thiên Chúa an bài mọi sự, chính Ngài chọn các thánh giá cho mỗi người chúng ta. Ngài biết chọn những thập giá cho mỗi người chúng ta, những thập giá rất hợp với những nhu cầu của linh hồn ta, để dọn đường cho những ân sủng của ánh sáng, của sức mạnh và của tình thương mà Ngài sẽ ban cho ta liền sau đó.
Cũng đừng tưởng tượng rằng, để dẫn đưa chúng ta trên con đường thánh thiện, Thiên Chúa cần dùng đến đủ thứ thử thách lạ lùng. Nhìn lại quãng đời qúa khứ của ta, ta có thể thấy một số khá lớn những đau khổ đủ thứ, lớn có, nhỏ có, trong đó có một vài thử thách ta coi là đau đớn nhiều. Đó là những đau khổ qúa đủ để giúp ta tiến xa trên con đường thánh thiện, nếu ta biết chịu đựng cách vui lòng theo ý Chúa.
Thật vậy, điều cần thiết để nên thánh không phải là gia tăng chịu đựng nhiều đau khổ, hoặc gia tăng chấp nhận nhiều thử thách, cho bằng gia tăng lòng mến khi chịu những đau khổ. Thánh Giuse, thánh Gioan Bec-man (Berchmans) và nhiều vị thánh khác có vẻ như đã không gặp nhiều thánh giá trong cuộc đời, nhưng các ngài đã biết lợi dụng những đau khổ thường ngày do Chúa gửi đến. Biết chịu đau khổ, chịu đau khổ với lòng mến, đó là mục tiêu ta phải đạt tới, và đó là ơn ta phải luôn luôn cầu xin Chúa.
§II. Những vấn nạn
- Nếu như tôi biết chịu đau khổ !
- Đừng nói qúa đáng !
- Tôi chịu đau khổ mà không vui.
- Tôi không biết hiến dâng đau khổ của tôi.
- Không xin đau khổ, nhưng cũng đừng sợ đau khổ.
Nếu như tôi biết chịu đau khổ ! – Đây là những câu vấn nạn có vẻ có lý, được vẽ ra để làm nao núng niềm tín thác của ta, làm ta muốn thoái thác, muốn chạy trốn mọi đau khổ.
Người ta nói : Đó ! vấn đề là nếu như tôi biết chịu đau khổ thì còn gì bằng ! Nhưng tôi lại không biết chịu đau khổ, tôi chịu đau khổ một cách thảm hại. Tôi làm hư những ân sủng lớn lao là những thánh giá Chúa gửi đến cho tôi.
Hỡi linh hồn đáng thương và được Chúa yêu thương, bạn nên biết : biết đón nhận những đau khổ, những thánh giá, với lòng mến và trong tinh thần đức tin mạnh mẽ, là điều rất quan trọng và mang lại những ân sủng lớn lao cho ta. Nhưng bạn đừng vội nghĩ rằng những đau khổ không sinh ích gì cho ta, bởi vì ta chưa biết chịu đau khổ cách lành thánh, cách vui lòng vì mến Chúa. Đúng thế, để chịu đau khổ cách trọn lành, ta phải có lòng mến thánh thiện : khi đó sự chịu đau khổ của ta sẽ giống như một bông hồng tươi thắm, làm vui lòng Thầy chí thánh là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng nếu ta chưa có sức chịu đau khổ cách trọn lành và thánh thiện, như vậy những bông hồng ta dâng kính Chúa không tươi nở đầy đủ, mà chỉ hé mở thôi, hoặc chỉ là những nụ hồng, thì Chúa Giêsu cũng vui nhận. Vậy chúng ta hãy tin chắc rằng, Chúa Giêsu vô cùng nhân hậu và yêu thương ta, Ngài sẽ vui sướng nhận những bông hồng hé nở, hoặc những nụ hồng mà chúng ta cố gắng dâng lên Ngài.
Đừng nói gì quá đáng ! – Vả lại xin đừng nói gì qúa đáng. Xin hỏi : Cái gì làm mất vẻ đẹp, mất giá trị của những đau khổ của bạn ?
Bạn nói : tự nhiên tôi sợ và trốn tránh đau khổ. - Đúng thế, tự nhiên, do bản năng, ai cũng sợ đau khổ. Nhưng một khi bạn suy nghĩ lại, và thấy đó là những đau khổ, những thánh giá mà Chúa Giêsu gửi đến cho bạn, theo sự khôn ngoan và tình thương của Ngài, chắc bạn sẽ yêu mến và vui lòng đón nhận thánh giá, để làm vui lòng Chúa. Đàng khác có một số thánh giá ta có thể, thậm chí ta phải lo tránh một cách hợp lý, vì vinh quang Thiên Chúa, hoặc đức ái đòi hỏi như vậy. Ước chi các Bề trên của bạn đừng hiểu lầm về bạn : các ngài hãy tin tưởng nơi bạn, để bạn có thể sống an vui với mọi người, và để bạn vui vẻ hy sinh phụng sự Thầy chí thánh. Để làm được điều đó, bạn hãy sử dụng các phương tiện hợp lý trong tầm tay mình. Sau đó, bạn sẽ tín thác mọi sự trong tay Chúa.
Tôi chịu đau khổ mà không vui. – Người ta còn nói rằng : Tôi chịu đau khổ mà không cảm thấy vui, không cảm thấy yêu mến như các linh hồn quảng đại và thật tình yêu mến Chúa. Ôi ! tôi ước chi mến yêu thánh giá ! Tôi ước ao tìm thấy niềm vui nơi thánh giá ! - Vậy bạn hãy nghe thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, một người say mến thánh giá : “Cho tới tuổi mười bốn, tôi đã tập tành các nhân đức mà không cảm thấy sự ngọt ngào nào hết. Tôi đã ước ao chịu đau khổ mà không nghĩ mình sẽ cảm thấy vui: đó là ơn mà Chúa sẽ ban cho tôi sau này. Hồi đó linh hồn tôi giống như một cây tốt đẹp, nhưng bao nhiêu hoa đều rụng sau khi nở. Các bạn hãy dâng lên Chúa hy sinh là không bao giờ được hái trái, nghĩa là các bạn sẽ suốt đời cảm thấy không muốn chịu đau khổ, không muốn chịu hạ mình, và đứng nhìn những bông hoa của ước nguyện và của thiện chí của mình rụng xuống mà không kết qủa. Nhưng rồi, trong nháy mắt, và giờ chết của bạn, Chúa sẽ làm cho có những qủa chính và đẹp trên cây linh hồn các bạn.”[1] Ở một chỗ khác, thánh nữ đã viết : “Chúng ta muốn chịu đau khổ cách quảng đại, chịu đau khổ rất nhiều. Chúng ta muốn không bao giờ sa ngã ! Đó là ảo tưởng ! nhưng tôi có ngã mỗi lúc thì đã sao ! Nhân đó tôi cảm thấy mình yếu đuối, và tôi coi đó là một lợi ích lớn cho tôi”[2].
Đàng khác, để chịu đau khổ cách thánh thiện, không cần và hoàn toàn không cần ta phải cảm thấy vui khi chịu đau khổ. Đối với chúng ta, như thế sẽ tốt hơn, nhưng đối với Chúa Giêsu thì không. Có thể chúng ta chưa vui chịu đau khổ, nhưng Chúa sẽ vui, nếu ta sẵn sàng chịu đau khổ theo ý chúa. Nếu Chúa chỉ vui khi ta chịu đau khổ với niềm vui, thì Chúa là Đấng khát khao lòng mến yêu của ta, chắc Ngài đã gửi những niềm vui và những an ủi kèm theo những thánh giá Ngài gửi cho ta.
Hỡi linh hồn được Chúa thương yêu, bạn biết điều rất quan trọng là đón nhận và yêu mến những đau khổ, những thánh giá, với tinh thần đức tin và đức mến. Và chúng ta phải nài xin Chúa ban ơn này cho ta. Nhưng bạn cũng đừng nghĩ rằng những đau khổ sẽ không sinh ích gì cho ta, hoặc gần như thế, nếu ta chưa chịu đau khổ cách trọn lành. Nếu nhiều khi ta chịu đau khổ mà chưa biết chịu cách vui lòng, thì vẫn là tốt cho ta. Và ta vẫn làm vui lòng Chúa.
Tôi vẫn chưa biết dâng những đau khổ của tôi cho Chúa ! – Có thể người ta còn nói rằng : “Giá như ít ra tôi cũng biết dâng những đau khổ của tôi lên Chúa Giêsu, và thưa Ngài rằng vì yêu mến Ngài, tôi vui chịu những đau khổ đó ! Nhưng thường thường tôi chịu đau khổ như loài trâu bò, lạnh lùng và dửng dưng, chịu đau khổ một cách máy móc, không yêu mến gì hết. Và điều lạ lùng là, Chúa Giêsu thường ban cho tôi những an ủi và tỏ lòng thương yêu tôi vào những thời gian khác, còn trong lúc đau khổ, Ngài lại cất đi những sự an ủi đó, những niềm an ủi có sức giúp tôi yêu mến thánh giá !
Trong vấn đề này cũng vậy, hỡi linh hồn tốt lành, bạn hãy tín thác nơi Thầy chí Thánh. Ngài thương yêu bạn và muốn được bạn mến yêu Ngài, Ngài biết những gì tốt hơn cho bạn. Nếu Ngài rút lại những niềm an ủi vào lúc bạn chịu đau khổ, chắc chắn đó là vì như thế sẽ ích lợi hơn cho bạn, bởi vì bạn sẽ phải hy sinh nhiều hơn và lòng yêu mến của bạn sẽ tinh ròng hơn. Yêu mến Chúa Giêsu khi được an ủi thì dễ qúa, và yêu mến thánh giá khi thánh giá có vị ngọt ngào cũng dễ. Nhưng yêu mến thánh giá khi thánh giá có vị đắng cay, khi thánh giá trần trụi, không có bông hồng mà chỉ có gai nhọn : đó mới là lòng mến chân thành, sâu xa và tinh ròng.
Đàng khác, không cần thiết phải nói lời mến yêu Chúa và thưa Chúa rằng mình sẵn lòng chịu đau khổ vì lòng mến Chúa, mặc dầu đó là điều tốt và ta nên làm nếu có đủ sức. Nhưng sự thường ta không thể làm : bản tính loài người vẫn đã yếu đuối, lại bị những đau khổ làm cho tan nát và chán nản. Nhưng không sao, chỉ cần bạn âu yếm nhìn lên Chúa Giêsu, sự im lặng đau đớn của bạn cũng đủ nói lên lòng mến yêu của bạn. Thầy chí thánh nhìn thấy suốt đáy lòng ta. Và như một bông hoa thơm luôn tỏa ra những làn hương thơm tho, linh hồn ta cũng luôn luôn tự nó phát ra trăm ngàn tâm tình mến yêu và tín thác, làm cho Chúa Giêsu hết sức vui thỏa vì ta[3].
Vậy chúng ta đừng lo sợ về những đau khổ mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến cho ta. Và chúng ta đừng để niềm tín thác của mình bị yếu đi vì những đau khổ tưởng tượng. Đừng để những tưởng tượng đó làm hại niềm tín thác trọn vẹn của ta nơi Chúa.
Đừng xin được chịu đau khổ.– Chúng ta có nên xin được chịu đau khổ chăng ? Không nên. Nói chung, ta không nên xin như thế. Không nên bắt chước một vài linh hồn bất toàn, nhưng qúa tự tin, đã nhẹ dạ hiến thân làm của lễ hy sinh cho sự công minh của Thiên Chúa. Tốt hơn, chúng ta hãy nói như một bông hoa nhỏ : “Tôi quá bé nhỏ không đủ sức để xin chịu đau khổ, qúa bé nhỏ để tự hiến thân làm lễ hy sinh cho sự công minh của Thiên Chúa. Tốt hơn, tôi muốn tự hiến thân cho tình thương đầy thương xót của Chúa, để Ngài thiêu đốt tôi và tiêu hủy tôi”.
Nhưng, tuy không xin những thánh giá, chúng ta cũng đừng sợ những thánh giá, bởi vì đó là những hồng ân của lòng Chúa yêu thương. Hơn nữa, nếu có khi nào Chúa gửi cho ta một nỗi đau khổ hơn mức thường, ta hãy tin chắc rằng : cùng với đau khổ đó, Ngài sẽ ban cho ta một ân sủng đặc biệt, để giúp ta đủ sức chịu đựng cách tốt lành. Nhân đây, chúng ta hãy nhớ lại sự tích rất cảm động của thánh nữ tử đạo Fêlicita. Thánh nữ bị bắt giam bởi vua chúa cấm đạo. Đến ngày và đến lúc sinh nở, bà thánh rên rỉ vì đau đớn, lính canh ngục nói với bà : “Bây giờ chị đã kêu đau như thế, thì lúc bị ném cho thú dữ xé xác, chị sẽ chịu sao được ?”. Không ngập ngừng, vì được Chúa Thánh Thần soi sáng, thánh nữ đã trả lời : “Bây giờ là tôi chịu đau khổ, còn lúc đó sẽ có một Đấng khác chịu đau khổ với tôi, vì tôi chịu đau khổ vì Ngài”.
[1] Conseils et souvenirs (Những lời khuyên và những kỷ niệm) tr.267.
[2] Letter à Celine (Thư gửi chị Céline) 12 tháng 3 năm 1889.
[3] Xem chương tiếp theo, § I. “Actes directs de l’âme” (Những hành vi trực tiếp của linh hồn).